Chính phủ vừa qua đã ban hành Nghị định 158/2024 (có hiệu lực từ 01/01/2025) quy định về việc cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép kinh doanh và phù hiệu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.
Các đơn vị vận tải và tài xế hãy cùng GoTrack tìm hiểu ngay quy định mới nhé!
Quy định mới về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ
Căn cứ Khoản 6 Điều 21 Nghị định 158/2024, có 8 trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh như sau:
- a) Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
- b) Không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên Giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 06 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên Giấy phép kinh doanh trong thời gian 06 tháng liên tục trở lên;
- c) Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;
- d) Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu;
đ) Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền;
- e) Trong thời gian 01 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu;
- g) Trong 01 năm có từ 02 lần trở lên bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải;
- h) Không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.
Như vậy, so với quy định trước đó, Nghị định 158/2024 bổ sung thêm hai trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn bao gồm: trong 1 năm có từ 2 lần trở lên bị tước quyền sử dụng giấy phép và không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.
Quy định về việc thu hồi phù hiệu
Căn cứ Khoản 10 Điều 23 Nghị định 158/2024, có 7 trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu như sau:
- Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu một trong các trường hợp sau đây:
- a) Thu hồi phù hiệu đối với tất cả xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ của đơn vị kinh doanh vận tải khi đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải;
- b) Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi đơn vị kinh doanh vận tải không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục;
- c) Thu hồi phù hiệu của phương tiện vi phạm 01 tháng đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 01 tháng cho thấy có từ 05 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 km/h trở xuống);
- d) Thu hồi phù hiệu của phương tiện vi phạm 01 tháng đối với trường hợp khi khai thác dữ liệu cần kiểm soát tải trọng xe từ công trình kiểm soát tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân của mỗi phương tiện trong 01 tháng cho thấy có từ 03 lần vi phạm tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10% (vi phạm tải trọng trục xe hoặc khối lượng toàn bộ của xe hoặc cả hai vi phạm trong 01 lần cân kiểm soát tải trọng xe khi tham gia giao thông trên đường bộ), trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng;
đ) Thu hồi phù hiệu các xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải khi phương tiện đã được chuyển nhượng hoặc cho đơn vị khác thuê;
- e) Thu hồi phù hiệu khi đơn vị kinh doanh vận tải có báo cáo và nộp lại phù hiệu trong trường hợp không tiếp tục sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải;
- g) Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ mà thành viên hợp tác xã kinh doanh vận tải không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.
Hậu quả khi doanh nghiệp vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh và phù hiệu
Theo Điểm d Khoản 7 Điều 21 Nghị định này, quy định về trình tự thu hồi Giấy phép kinh doanh như sau:
- d) Khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh đối với loại hình kinh doanh vận tải có vi phạm; trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi.
… nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh, đơn vị kinh doanh vận tải làm thủ tục để được cấp Giấy phép kinh doanh, phù hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 21 và khoản 6 Điều 23 Nghị định này.”
Như vậy, việc bị thu hồi Giấy phép kinh doanh và phù hiệu sẽ gây nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
Gián đoạn hoạt động kinh doanh: Sau khi bị thu hồi Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, xe của doanh nghiệp sẽ không được phép vận chuyển hàng hoá hay hành khách, đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động vận tải bị đình trệ. Các hợp đồng đã ký kết có nguy cơ phải trì hoãn hoặc huỷ bỏ, lịch trình và kế hoạch bị xáo trộn, doanh nghiệp đánh mất khách hàng và hành khách, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh.
Thiệt hại tài chính: Khi phải dừng hoạt động kinh doanh theo quy định, rõ ràng rằng doanh nghiệp vận tải sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính do mất đi nguồn thu nhập chính. Trong khi đó, họ vẫn cần phải chi trả các loại chi phí cố định để duy trì đội xe như: chi phí bảo dưỡng phương tiện định kỳ, chi phí thuê mặt bằng, bến bãi,… Thời gian trì trệ càng lâu sẽ càng gây thiệt hại lớn cho tình hình tài chính của doanh nghiệp vận tải.
Tăng rủi ro cho nhân viên: Doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh đồng nghĩa với việc người lao động, đặc biệt là tài xế lái xe, có nguy cơ bị cắt giảm lương, thưởng hoặc thậm chí mất việc. Việc này gây ảnh hưởng lớn tới thu nhập và cuộc sống của họ.
Giảm uy tín của doanh nghiệp: Doanh nghiệp vận tải vi phạm thường xuyên dẫn tới bị thu hồi Giấy phép kinh doanh và phù hiệu sẽ đánh mất uy tín và sự tin tưởng của khách hàng và đối tác. Đồng thời, trong thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động vận tải, khách hàng không thể chờ đợi và sẽ chuyển sang ký kết hợp đồng với đơn vị khác, dẫn đến doanh nghiệp đánh mất những khách hàng này.