Kiểm soát chi phí không hiệu quả là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự thất bại của doanh nghiệp vận tải. Để có thể phát triển bền vững và cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có giải pháp tối ưu chi phí và hạn chế những thất thoát không đáng có.
Trước khi tìm kiếm giải pháp, nhà quản lý hãy tìm hiểu những yếu tố gây cản trở doanh nghiệp vận tải tối ưu hoá chi phí mà GoTrack chia sẻ trong bài viết sau đây!
Không kiểm soát chi phí nhiên liệu
Đối với đặc thù ngành vận tải, chi phí nhiên liệu cho các phương tiện luôn chiếm phần lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là khoản chi phí khó kiểm soát hiệu quả do doanh nghiệp vận tải không có những công cụ đo lường chính xác và giám sát chặt chẽ mức tiêu hao nhiên liệu. Đây chính là sơ hở của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho tài xế hoặc nhân viên gian lận nhằm thu lợi cá nhân, hoặc kẻ gian trộm cắp nhiên liệu, khiến doanh nghiệp thất thoát và thiệt hại nặng nề, khó có thể kiểm soát chi phí.
Lộ trình chưa tối ưu
Nhiều doanh nghiệp vận tải không chú trọng xây dựng lộ trình di chuyển cho các xe trước mỗi hành trình, để tài xế chạy xe theo tuyến đường ngẫu nhiên. Điều này dẫn đến nhiều chuyến xe phải chạy đường vòng hoặc di chuyển rất chậm do tuyến đường đó ùn tắc hoặc các vấn đề khác như: cấm đường, đường đang thi công không thể di chuyển qua,… Hậu quả là tốn quá nhiều thời gian cho một chuyến hàng và chi phí tăng cao do nhiên liệu bị lãng phí.
Điều phối chuyến hàng không hợp lý
Các đơn hàng sau khi xác nhận nếu không được sắp xếp và điều phối hợp lý thì sẽ gây nhiều lãng phí và là nguyên nhân khiến doanh nghiệp vận tải không kiểm soát chi phí hiệu quả.
Các chuyến xe có trọng tải thấp vì chưa được sắp xếp hợp lý, sẽ gây lãng phí thời gian và nhiên liệu, trong khi đó xe khác phải chạy quá tải, có thể phải chịu các khoản phạt hành chính. Những đơn hàng không được sắp xếp theo trình tự phù hợp sẽ chậm trễ so với thời hạn giao hàng đã thoả thuận, khiến doanh nghiệp phải đền bù hợp đồng.
Các phương tiện kém chất lượng
Việc sở hữu các phương tiện kém chất lượng sẽ khiến chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tăng cao, thậm chí tốn kém nhiên liệu hơn. Xe thường xuyên gặp sự cố trên đường cũng gây ảnh hưởng đến hiệu suất và chất lượng công việc.
Với những hàng hoá đặc thù như thực phẩm đông lạnh, dược phẩm, kem,… nếu phương tiện không đảm bảo chất lượng bảo quản có thể gây hư hại hàng hoá, tốn kém chi phí đền bù thiệt hại cho khách hàng, gây khó khăn cho công tác kiểm soát chi phí.
Quản lý lái xe không hiệu quả
Việc quản lý lái xe không chỉ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kiểm soát chi phí mà còn tác động tới hiệu suất, chất lượng công việc và uy tín của doanh nghiệp.
Tài xế điều khiển xe có hành vi không an toàn, thường xuyên tăng tốc đột ngột hoặc phanh gấp, cua gấp, xe đang dừng nhưng nổ máy và bật điều hòa trong thời gian dài,… đều là những nguyên nhân gây lãng phí nhiên liệu, hao mòn xe, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu tài xế có hành vi lái xe nguy hiểm dẫn tới tai nạn giao thông, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều tổn thất: từ các khoản phạt hành chính, đền bù thiệt hại, tổn thất cho nạn nhân và gia đình, sửa chữa phương tiện đến tuyển dụng bổ sung lái xe,…
Xem thêm: Chiến lược quản lý đội ngũ tài xế cho doanh nghiệp vận tải
Thiếu công nghệ hiện đại
Doanh nghiệp không thể kiểm soát chi phí hiệu quả nếu không có những dữ liệu chính xác và minh bạch. Tình trạng này xuất hiện ở những doanh nghiệp quản lý theo quy trình thủ công, sử dụng sổ sách hoặc các phần mềm tin học cơ bản để ghi chép và theo dõi chi phí. Phương pháp này thường có nhiều sai sót và nhầm lẫn, thậm chí gian lận do có sự can thiệp của con người. Chính vì vậy, rất khó để nhà quản lý có thể kiểm soát chi phí chính xác, dẫn tới những thất thoát không đáng có.