Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2024/NĐ-CP quy định các phương tiện cần phải lắp thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát lái xe. Đồng thời công bố với mức phạt đối với các đơn vị chậm trễ trong việc lắp đặt thiết bị đạt chuẩn theo quy định.
Hãy cùng GoTrack tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau đây!
Những phương tiện phải lắp camera giám sát lái xe theo quy định mới
Căn cứ Điều 28 Nghị định số 151/2024/NĐ-CP, quy định về các phương tiện cần lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe như sau:
“Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phải lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.”
Như vậy, so với quy định trước đó, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP đã bổ sung xe cứu thương vào danh sách những loại phương tiện cần trang bị thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh tài xế.
Xem thêm: Camera Nghị định 10 SD02
Những phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình
Căn cứ Điều 27 Nghị định số 151/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2025), quy định về các phương tiện cần lắp đặt thiết bị giám sát hành trình bao gồm:
“1. Xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
2. Thông tin, dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, quản lý nhà nước về vận tải đường bộ và được kết nối, chia sẻ với Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam), Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, 4 loại phương tiện phải lắp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định mới là:
- Xe ô tô kinh doanh vận tải
- Xe ô tô đầu kéo
- Xe cứu thương
- Xe cứu hộ giao thông đường bộ.
Xe không lắp camera giám sát lái xe bị phạt bao nhiêu tiền?
Mức phạt đối với phương tiện không lắp thiết bị ghi hình được quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Cụ thể:
- Đối với cá nhân hoặc đơn vị sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát lái xe theo quy định hoặc có lắp đặt nhưng thiết bị không hoạt động, can thiệp làm sai lệch dữ liệu của thiết bị: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải và buộc lắp đặt thiết bị theo quy định. (Căn cứ Điểm g Khoản 7 và Điểm c Khoản 13 Điều 26 Nghị định số 151/2024/NĐ-CP)
- Đối với tài xế điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát lái xe theo quy định hoặc có lắp đặt nhưng thiết bị không hoạt động, can thiệp làm sai lệch dữ liệu của thiết bị: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. (Căn cứ Điểm l Khoản 5 Điều 20, Điểm c Khoản 1 Điều 27, Khoản 1 Điều 29, Khoản 1 Điều 30)
Xem thêm: Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Tầm quan trọng của camera giám sát lái xe
Định danh tài xế và ngăn chặn hành vi gian lận: Camera ghi hình giúp nhà quản lý xác minh chính xác tài xế nào đang điều khiển phương tiện, ca làm việc và thời gian làm việc của từng tài xế, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận thông tin lái xe giữa các tài xế.
Nâng cao an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông: Thông qua dữ liệu được cung cấp theo thời gian thực từ thiết bị ghi hình tài xế, đơn vị vận tải có thể giám sát mọi hành vi của lái xe, sớm phát hiện những hành vi nguy hiểm như ngủ gật, mệt mỏi, hút thuốc, sử dụng điện thoại,… khi điều khiển xe. Từ đó, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý phù hợp. Thông qua đó, đảm bảo an toàn cho lái xe, hành khách và những người tham gia giao thông khác.
Tăng cường hiệu quả quản lý đội xe: Dựa trên những dữ liệu thu được, nhà quản lý có thể lên phương án, kế hoạch và thực hiện hành động cụ thể nhằm nâng cao kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo tài xế luôn tuân thủ quy định khi điều khiển phương tiện. Nhờ đó nâng cao hiệu quả vận hành đội xe vận tải.